Sáp nhập báo chí từ sau Quyết định chính thức Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025

Việc sáp nhập các cơ quan báo chí trở lên nhanh và mạnh hơn sau khi đề án chính thức được ký ban hành vào năm 2019. Quy hoạch được ký từ tháng 4/2019 thì đến tháng 12/2019 tức 7 tháng sau khi thực hiện, cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương thì cả nước giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Và như vậy, tính đến 30/11/2019, cả nước còn có 850 cơ quan báo chí.

Thống kê này cũng cho thấy, trong 850 cơ quan báo chí đó, đó, có 179 báo (83 báo T.Ư và 96 báo địa phương), 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 93 kênh truyền hình.

Số liệu cùng lúc đó do báo Thanh niên đưa cho thấy tổng doanh thu báo in và báo điện tử trong năm 2019 ước đạt 4.923 tỉ đồng (báo in 3.508 tỉ đồng, giảm 3,9% so với năm 2018; báo điện tử 1.415 tỉ đồng, tăng 13,38% so với năm 2018). Tổng doanh thu của 72 đài phát thanh truyền hình là 11.394 tỉ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo là 9.067 tỉ đồng. Cả nước thời điểm đó có 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo[19]. Mức giảm này là ít và nhiều nơi vẫn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nên ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo đã hối thúc cần: "Khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí".

Quy hoạch báo chí các hội trung ương

Ngày 27/2/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí của 19 tổ chức hội ở trung ương[20].

Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, 24 tổ chức hội trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí. Cụ thể, mỗi tổ chức hội sau khi thực hiện quy hoạch có 1 tạp chí.[20]

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, về cơ bản, các tổ chức hội đã thực hiện triển khai quy hoạch báo chí.[21]

Theo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông), đến nay đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội. Cụ thể:

Báo điện tử Tri thức trẻ thành chuyên trang của báo điện tử Tổ quốc, hoạt động từ 1-2-2020.

Cấp phép cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội, giấy phép có hiệu lực từ ngày 1-4-2020, gồm:[22]

Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam); tạp chí Người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam); tạp chí Bóng đá (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam); tạp chí Thời đại (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam).[23]

Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống (Hội Khoa học và kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam); tạp chí Thương hiệu và Công luận (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (Hội Marketing Việt Nam); tạp chí Kinh tế và Đồ uống (Hiệp hội Chè Việt Nam); tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Hội Xuất bản Việt Nam); tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam (Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam); tạp chí Kinh tế nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam).

Tạp chí Một thế giới (Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam); tạp chí Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam); tạp chí Năng lượng mới (Hội Dầu khí Việt Nam); tạp chí Sức khỏe cộng đồng (Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam); tạp chí Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam); tạp chí Mê Kông - ASEAN (Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN).

Ngoài ra, còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội (2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản, 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục), Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục triển khai theo quy định.

Quy hoạch báo chí tại TPHCM

Sau khi nhậm chức không lâu, ngày 22/05/2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Quyết định số 1786 phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025[24].

Việc quy khoạch báo chí tại TPHCM khá phức tạp và khó khăn vì tại đây có nhiều tờ báo cơ quan chủ quản nhỏ song quy mô và ảnh hưởng của báo rất lớn, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế như báo Tuổi trẻ.[25]

Theo đó, sau khi sắp xếp, thành phố Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, gồm các báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh, Pháp Luật TP, Công giáo và Dân tộc, Giác Ngộ.[26][27] Ngoài ra có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí.

So với trước khi sắp xếp, giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin). Các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử, tạp chí intạp chí điện tử sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.[25]

Số lượng cơ quan báo chí thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp là 27/28 (báo Công an thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an) với lộ trình gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020. Ở giai đoạn này, có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp. Trong đó, giữ ổn định một cơ quan là báo Sài Gòn Giải Phóng.

Cụ thể, chuyển cơ quan chủ quản sáu cơ quan báo chí, gồm: Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh sang Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; báo Tuổi Trẻ từ Thành đoàn TP sang Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; báo Người Lao động từ Liên đoàn Lao động TP sang Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh từ Sở Tư pháp sang UBND thành phố Hồ Chí Minh; tạp chí Du lịch từ Sở Du lịch sang UBND thành phố Hồ Chí Minh và tạp chí Phát triển Nhân lực từ UBND TP sang Học viện Cán bộ TP.

Chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quan tám cơ quan báo chí thành tạp chí, gồm: Báo Cựu chiến binh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, báo Doanh nhân Sài Gòn, Khoa học Phổ thông, Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, tạp chí HTV.

Giai đoạn 2: Từ năm 2021 đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan báo chí nhanh chóng ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới. Đồng thời tiếp tục triển khai Quyết định số 362 ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Bên cạnh đó, báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm; đối với phát thanh truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả; đối với báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội…

Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương (gồm 16 báo, một đài truyền hình, một đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 http://datafile.chinhphu.vn/file-remote-v2/Downloa... http://datafilesbk.chinhphu.vn/file-remote-v2/Down... http://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-con-19-co-quan-bao-... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://cand.com.vn/thoi-su/Hoan-thanh-quy-hoach-ba... http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/745929/bo-gi... http://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-nga... http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-b... http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-li...